Nhân vật chính trong rất nhiều kiệt tác của danh họa Édouard Manet là một người phụ nữ tóc hung, dù ở mỗi tranh một vẻ, nhưng hóa ra đều là bóng dáng của một người. Những người đàn bà khoả thân trong “Bữa trưa trên cỏ” và “Olympia” - cả hai đều thuộc bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Orsay ở Paris – hay “Thiếu phụ trẻ năm 1866”, “Người hát rong”, “Nhà ga St. Lazare”, thậm chí cậu bé trong bức “Người thổi sáo” - tất cả đều ‘đúc’ từ một người mẫu duy nhất: Victorine Meurend. Nàng là người mẫu được yêu thích nhất của Manet trong những năm 1860 và đầu thập niên 1870 bởi tính cách hiện đại và nổi loạn của mình.
Vào những thập niên cuối thế kỷ 19, trong giới mỹ thuật Paris, Victorine-Louise Meurend là một nhân vật khá đặc biệt, bởi không chỉ là người mẫu được ưu ái của nhiều nam họa sĩ nổi tiếng, bản thân nàng cũng là một hoạ sĩ có tranh được bày nhiều lần tại các Salon khét tiếng bảo thủ ở đô thành. Công chúng đời sau và thậm chí cả những người yêu nghệ thuật thời bấy giờ dường như đã quên hẳn danh phận nghệ sĩ của Victorine. Phải chăng vì qua con mắt quan sát và nét bút kỳ tài của Manet, đặc biệt ở bức “Olympia”, hình ảnh của cô chính là hiện thân của ‘một thách thức hiện đại’ - gây chấn động mỹ quan cổ hủ đương thời? Họ đã có những quan niệm sai lầm rằng mẫu nữ này hẳn là gái lầu xanh lẳng lơ hay chí ít cũng là cánh giang hồ (demi-mondaine) đầu gấu ương ngạnh, mà có biết đâu rằng Victorine sinh ra trong một gia đình thợ thủ công có nghề, và từ tấm bé đã luôn ước mơ trở thành nghệ sĩ.
Victorine Meurend (1844-1927). Ảnh: BNF Gallica
Sinh năm 1844, mẹ có nghề làm mũ và thợ giặt, còn cha là thợ sửa chữa đồ đồng, Victorine Meurend bắt đầu làm mẫu vẽ ở tuổi mười sáu trong xưởng của hoạ sĩ Thomas Couture, một người cũng có những lớp dạy vẽ ký hoạ dành cho phụ nữ và trẻ em. Victorine có lẽ đã bắt đầu có ý thức phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình vào thời điểm này.
Có thể Édouard Manet đã gặp Victorine Meurend lần đầu tiên tại xưởng của Couture. Ông chính thức mời Meurend làm mẫu khi nàng bước sang tuổi mười tám, cũng là lúc ông sáng tác bức tranh “Người hát rong”. Được công chúng biết đến nhiều qua những bài hát trình diễn trong các quán rượu địa phương, Victorine cũng là nghệ sĩ chơi guitar và violin rất khá, thậm chí còn làm nhạc sư của cả hai nhạc cụ này. Là bạn thân của Manet, cũng là người nhiệt thành ủng hộ những quan điểm nghệ thuật của họ, thi sĩ Charles Baudelaire đã kêu gọi các nghệ sĩ nên tìm nguồn cảm hứng trong những khoảnh khắc đời thường đương đại, để nắm bắt những gì mà ông gọi là “chủ nghĩa anh hùng của cuộc sống hiện đại”. Victorine rất phù hợp để làm mẫu vẽ cho mẫu người hiện đại này, và nàng đã sớm trở thành nàng thơ của Manet. Victorine cũng làm mẫu vẽ cho các đồng nghiệp của Manet như Edgar Degas, Puvis de Chavannes và họa sĩ người Bỉ Alfred Stevens - một người về sau nàng có nhiều tình cảm sâu đậm.
Cũng thật kỳ lạ là dù nhỏ nhắn, vóc dáng và mái tóc hung của Victorine lại khá nổi bật và gây ấn tượng với bất kỳ ai khi đối diện, và vì thế chăng mà nàng còn có biệt danh La Crevette (Con tôm). Với xã hội Paris đương thời, Victorine Meurend có lẽ là biểu hiện ‘nguy hiểm’ của những người đàn bà hiện đại - những người cuối cùng sẽ đòi quyền bình đẳng, quyền được đi bỏ phiếu và được trả lương ngang với cánh đàn ông. Ở khía cạnh này, mái tóc hung cắt ngắn của nàng dự báo một điều gì đó xa xôi, khác thường, bất chấp, thậm chí mang tính lật đổ.
MANET - Cô Victorine trong trang phục võ sĩ đấu bò. 1862. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Mỹ
Phong cách kiêu sa của Victorine trong các tác phẩm của Manet đã khiến nữ nghệ sĩ nổi loạn thực sự nổi tiếng, hoặc ở góc độ khác, bị chê cười. Manet đã quyết định vẽ nàng với ánh mắt nhìn thẳng, trực diện, chứ không có bất cứ điệu bộ giả vờ e lệ đoan trang như những người phụ nữ đương thời. Thay vào đó, khi ánh mắt của Victorine bắt gặp ánh mắt đang kinh ngạc của người xem thì dường như người đàn bà này cũng đang tiến hành sự thẩm định riêng của mình. Sau khi Manet lần đầu tiên trưng bày bức tranh “Bữa trưa trên cỏ” vào năm 1863, Victorine đã hứng chịu nhiều búa rìu dư luận của giới thượng lưu và nghệ sĩ Paris. Phản ứng của mọi người với bức tranh thật ghê gớm: từ cười nhạo cho đến những hành vi đậm chất bạo lực; có kẻ quá khích còn thể hiện sự phẫn nộ bằng cách gạch xoá lên mặt tranh. Hình ảnh của Victorine trong bức tranh “Olympia” của Manet cũng bị nhạo báng là “trông như khỉ đột với làn da tím tái”. Vào thế kỷ 18 và 19, tranh khoả thân nữ luôn được đánh giá cao, miễn chúng mô tả hình tượng của các nữ thần và những nhân vật nữ trong các câu chuyện thần thoại. Ngược lại, những người nữ mà Victorine đại diện trong những kiệt tác của Manet, nhất là ở “Bữa trưa trên cỏ” và “Olympia”, rõ ràng thuộc về đời sống đương đại.
Manet tiếp tục mời Victorine làm mẫu cho đến đầu những năm 1870, khi nàng trở lại lớp học nghệ thuật của mình, và họ chia tay. Victorine đã vẽ những bức tranh của mình theo phong cách hàn lâm hơn những bức tranh bị phản đối của Manet. Thử vận may của mình ở phía bên kia tấm toan, Victorine đã tham dự các lớp học buổi tối tại Académie Julian vào năm 1875 dưới sự dìu dắt của họa sĩ Etienne Leroy. Một năm sau, nàng đã có bức chân dung tự họa được trưng bày tại Salon Paris.
Victorine Louise Meurend - Ngày Chủ nhật lễ Lá. Khoảng 1880. Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử thành phố Colombes, Pháp.
Năm 1876, năm mà chân dung tự hoạ của Victorine Meurend được bày tại Salon, Manet đã thất bại khi tác phẩm của ông bị Salon từ chối. M là Manet, nhưng M cũng là Meurend, và tác phẩm của Victorine được treo trong phòng trưng bày đó cũng có nhiều nét đặc trưng của Manet. Điều trớ trêu này khiến nàng không thấy thoải mái lắm. Tranh của Victorine bày tại Salon năm 1879, bức “Giới tư sản Nuremberg thế kỷ 18”, treo trong cùng một phòng với bức “Chân dung tự hoạ với pallete” của Manet. Mặc dù có tin đồn rằng trong những năm 1890, Victorine có lẽ đã nghiện rượu khá nặng và cố gắng bán những bức ký hoạ của mình trên khắp các ngõ phố của khu Montmartre, nàng vẫn tiếp tục có những triển lãm thành công. Salon Paris chấp nhận và trưng bày tranh của bà tới sáu lần. Năm 1903 Victorine Meurend được chấp nhận vào Hội nghệ sĩ Pháp (Société des Artistes Français). Các ứng cử viên để gia nhập hội này cần có sự tiến cử của hai hội viên, và một trong những người tiến cử Victorine vào hội chính là nhà sáng lập - hoạ sĩ Tony Robert-Fleury.
Mặc dù thành công với cả hai vai: người mẫu và hoạ sĩ, Victorine Meurend vẫn không được sung túc lắm. Trong thập niên 1880, Victorine tiếp tục làm mẫu vẽ cho hoạ sĩ Norbert Goeneutte - người đặc biệt nổi tiếng ở mảng tranh khắc, và cả hoạ sĩ trẻ Toulouse-Lautrec. Sau ngày Édouard Manet qua đời, năm 1883, Victorine đã viết thư cho bà vợ góa của ông, đề nghị bà thực hiện lời hứa của người chồng quá cố rằng sẽ biếu người mẫu một số tiền nếu ông bán được tranh. Thế nhưng, bà quả phụ Manet đã không chấp nhận đề nghị này.
MANET - Chân dung tự họa với bảng pha màu. 1878 - 1879. Sưu tập Frank Giraud
Trong hai mươi năm cuối cùng của đời mình, Victorine sống chung với một phụ nữ tên là Marie Dufour trong một căn nhà ở Colombes, ngoại ô Paris. Theo một số tư liệu điều tra dân chúng địa phương để lại, Victorine vẫn tiếp tục tự coi mình là một nghệ sĩ cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay.
Victorine qua đời năm 1927. Sau khi người bạn sống cùng nhà Dufour mất vào năm 1930, đồ đạc trong nhà họ đã được thanh lý, và theo lời hàng xóm kể lại, tất cả những thứ còn sót lại đều đã bị đốt sạch. Tin tức cuối cùng liên quan tới những bức tranh của Victorine có lẽ là một ghi nhận trên báo chí về một thương vụ mua bán tác phẩm vào năm 1930. Chỉ có một tác phẩm của Victorine Meurend thoát khỏi số phận bị quên lãng. Bức tranh “Ngày Chủ nhật lễ Lá” (Le Dimanche des Rameaux) được phục chế năm 2004 hiện được treo trang trọng trong Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử của thành phố Colombes. Các bức tranh khác của Victorine Meurend không rõ bây giờ ở đâu, mà có lẽ sẽ thất lạc mãi mãi.
Andrea Tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét