Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Ngắm tranh mùa trăng


NGUYỄN SINH - Biển yên bình. 2016. Sơn dầu. 60x80cm

Hàng năm cứ đến ngày quốc tế của người cao tuổi (1/10), Hội Mỹ thuật lại tổ chức triển lãm “Vọng nguyệt” cho các họa sĩ trên 70 tuổi tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 26/9 đến 7/10/2016.
Triển lãm đã giới thiệu 45 tác phẩm của hơn 40 tác giả trong Câu lạc bộ Họa sĩ cao tuổi thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Trần Huy Oánh với tác phẩm Chiều biên giới đậm tình quân dân trong sắc xanh đại ngàn đạt giải B trong triển lãm toàn quốc; các trưởng lão như Lê Lam, Lê Huy Trấp, Trọng Cát, Nguyễn Anh Thường... đều thuyết phục người xem ở bút pháp già dặn, đầy cá tính. Tranh chân dung Puskin của Lê Lam khẳng định họa sĩ vẽ rất chuẩn mực, Lê Huy Trấp lấp lánh ngôi chùa đẹp ở Đà Nẵng, Nguyễn Anh Thường đắm đuối với những cánh buồm trong ngày Biển động, Trọng Cát gọn ghẽ trong bố cục đông người Hội thi xay ngô Hà Giang, Phạm Đắc Hiển từng bày tranh sơn dầu, sơn mài, sơn khắc rất đẹp, lần này ông mang đến chất liệu lụa với một tác phẩm kích thước lớn Qua miền Tây Bắc. Bản Thái vốn quyến rũ lại thắm đượm hương hoa đón chào bộ đội về làng, cùng đề tài Phạm Nguyệt Nga vẽ bản không người tại Sapa dặt dìu những mái tranh xen kẽ những dãy ruộng bậc thang thành nhịp điệu vui mắt. Họa sĩ Phạm Yên Hòa chỉnh chu đưa hình ảnh Bác câu cá ở Pắc Bó vào trong tác phẩmCha già dân tộc thêm một đậm sen nâng độ thanh cao của Người, với sắc vàng rực sáng trong tĩnh vật Hoa cúc của Nguyễn Văn Chung là phong cảnh Bản yên ả ở Hòa Bình của Ngô Thiên Kim, sắc nắng trộn rộng trong Mùa xuân Sapa của Tô Ngọc Thành, riêng Nguyễn Dân Quốc vẫn là cao thủ về màu bột trong Đường lên núi tuyết Ngọc Long

TRẦN HUY OÁNH - Chiều biên giới. 2011. Sơn dầu. 135x270cm

Câu lạc bộ Họa sĩ cao tuổi giữ được nếp cùng nhau đi vẽ dài ngày mỗi đợt 15 người, lúc thì lên rừng, lúc thì xuống biển để tiếp cận với cuộc sống mới, tạo cảm hứng cho sáng tạo; theo bước chân họ: Đỗ Hữu Huề hút hồn trong Tắm suối nước khoáng ở Nghĩa Lộ, họa sĩ phát hiện được vẻ đẹp thuần khiết của một vùng gốc xòe, vượt xa phượt thủ Nguyễn Trịnh Thái mới chỉ thập thò ở suối nóng Tú Lệ; họa sĩ Nguyễn Lê Tuyết vốn chững chạc trong mọi bố cục, ngay cả tên tranh cũng gợi cho người xem sự cầu kỳ Mùa xuân ở bản Khuổi Cò. Bà tả hạnh phúc của một gia đình vùng cao; cũng là Tre tác phẩm của Vũ Hồng Ngọc thể hiện bút pháp phóng hoạt khiến cho kho tàng tranh về tre của bà ngày càng phong phú. Vũ An Chương như đang thi thố với Phạm Trí Tuệ về sự lộng lẫy của sắc màu với tác phẩm Cá cảnh còn Trí Tuệ đặc tả Mảnh gấm, cả hai góp thành bữa tiệc rực rỡ. Nhà điêu khắc Ngô Doãn Kinh dừng chơi gốm để vẽ chân dung người vợ, đạt vẻ đẹp dung dị, toàn bích. Nguyễn Công Mỹ ấn tượng về một cậu bé vùng cao mang gùi Xuống chợ với bút pháp cuồng say. Họa sĩ Phương Lan làm ta nhớ những bông hoa gạo rực trời biên giới trong tác phẩm Hồn quê, Hoàng Nguyên Đoan hân hoan trong nắngGò Đống Đa, Trần Ngọc Hải thanh thản bên Mùa hoa trắng, nhà điêu khắc Trần Tuy sau tai biến ông luyện vẽ bằng tay trái, rất lạc quan yêu đời trong tác phẩm Eva tuổi 16; Phùng Phẩm tuy sức khỏe kém nhưng năm nào cũng có tranh tác phẩmThiếu nữ và hoa rất điệu nghệ; Phùng Dzi Thuần dần tạo hình tương đối ổn định trong Người đàn ông nhỏ bé khiến người xem không nhìn tên cũng biết tranh của ông.

PHẠM TRÍ TUỆ - Mảnh gấm. 2016. Sơn nước. 100x120cm
Theo chân các họa sĩ xuống biển để thấy: Lương Xuân Trình gây náo động một góc trời trong Bám biển, Nguyễn Sinh thì khoan thai đầy nắng trong Biển yên bình, Phạm Duy Lộc lại nghiêm cẩn trong tác phẩm Biển màu sắc hài hòa bố cục tinh tế. Ngô Văn Duyên từ tốn Vá lưới, ông diễn tả khá đạt sức vóc vạm vỡ của ngư dân Thanh Hóa; Nguyễn Hữu Xim độc đáo trongBiển sạch chỉ có nhóm thuyền cờ phướn lay động bên nhà thờ đổ Hải Lý. Trời và đất trong veo cũng đề tài về môi trường nhưng đầy lãng mạn, họa sĩ Trần Đốc tả giấc mơ Biển sạch bởi một thiếu nữ ngọc ngà nổi trội trên sóng bạc đầu; Vũ Đăng Đính say mê đón Mặt trời mọc trên đảo Hòn Mê, Bùi Nga với gam xanh ngọt ngào dựng ba con thuyền thả hồn trên bãi biển Quất Lâm; lão họa sĩ Phan Ngọc Khuê như ghé vai cùng ngư phủ gánh tấm lưới “khủng” nặng trĩu như đội trời đạp đất gánh vác non sông. Nguyễn Huy Vận chuyên vẽ sơn mài lại một lần nữa khoe sắc vàng son nơi Biển vàng, biển bạc, Nguyễn Ngọc Mỹ lãng du theo gót các cô gái dạo chơi trong Nắng thu; tân binh Lương Anh Dũng trình làng tác phẩm Mẹ về với cách vẽ trong sáng, tươi mát nhưng đầy khắc khoải về tình mẫu từ. Nhà điêu khắc người Tày Hoàng Uyên góp phần Tính tẩu với 3 pho tượng về các bà quê ông: Hũ gạo của Bủ, Thổi sáo, Đánh trống, cách tạo hình của ông là đẩy các khối căng tròn khỏe khoắn, thích hợp với người miền núi đầy sức lực trong bộ áo Chàm tự tác; sự góp gốm của Hoàng Uyên làm cho triển lãm thêm đa dạng và đầy đặn. 

LƯƠNG XUÂN TRÌNH - Bám biển. 2016. Sơn dầu. 70x90cm
Trần Văn Thọ vốn vẽ lụa có uy tín, lần này ông góp tác phẩm Nghỉ ngơi với 2 cô gái thôn quê dịu hiền trong chiếc yếm mỏng được phủ bởi tấm mành che thanh thoát; khi Chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Khánh Chương cầm kéo cắt băng khai mạc thì cũng là lúc có người gắn hoa mua ngay tranh đó. Ngày khai mạc đông vui đủ mặt anh tài nhiều nhà còn dắt dìu cả vợ con, súng sính váy áo tíu tít như đi trẩy hội; cụ "trai tân" Nguyễn Phú Kim ở tuổi 82 vẫn hớn hở hồn thơ, ông như "bò lê bò càng" với đám trẻ người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn để Chơi quaychơi gụ. Cứ mỗi lần triển lãm là các cụ thêm 1 tuổi nhưng vui thế này chẳng ai thấy mình già đi mà còn thấy mình vẫn còn “cốm lắm!”.

Phạm Phi Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét