Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Ngộ nhận về truyền thống


ALIX AYMÉ - Phong cảnh. Kh. 1930. Sơn mài, 6 tấm. 100x25cm/tấm


“Truyền thống không phải là sự tôn sùng nắm tro tàn mà là việc duy trì ngọn lửa.”
Gustav Mahler
Một bài viết bằng tiếng Anh mới đây, giới thiệu triển lãm cá nhân của một hoạ sĩ trẻ Việt Nam trong nước, có câu: "Trong khi nhiều hoạ sĩ đương đại tập trung vào các chất liệu dễ thương mại hóa như sơn dầu trên canvas hay các loại chất liệu khác mà những người hiểu biết nghệ thuật coi là tiên phong hơn, việc một số hoạ sĩ trẻ tài giỏi nhất nước (...) tiếp tục vẽ trên lụa để góp phần cổ vũ và phát triển truyền thống hội họa lụa Việt Nam là một điều tốt và cần thiết." [1]
Thực ra, không riêng gì bài viết này, hàng loạt bài viết của các tác giả khác, mỗi khi nhắc tới tranh lụa và tranh sơn mài Việt Nam, đều có chung một ngộ nhận đây là hai ngành hội hoạ có truyền thống lâu đời của Việt Nam trong khi sơn dầu là thể loại hội hoạ sau này mới được du nhập từ phương Tây.
Trên thực tế, trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925, hội hoạ ờ Việt Nam là con số không. Những người thày Pháp đã khai sinh hội hoạ Việt Nam. 

 Khuyết danh, Chân dung Trịnh Đình Kiên (1715 - 1786), được cho là kh TK XVIII, lụa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Vài bức tranh lụa t.k. XVIII - XIX còn sót lại đến nay đều không rõ tác giả cũng như độ xác thực của bản gốc, và đều được vẽ theo lối Tàu thời nhà Thanh (t.k. XVII - XX) với kỹ thuật dùng màu tự nhiên đặc vẽ lên lụa [2]. Lối vẽ này hoàn toàn khác kỹ thuật dùng màu nước (watercolor) vẽ lên lụa ở Việt Nam ngày nay. Không hề có trường phái hay đệ tử nào của các tác giả này được lưu truyền tới đời sau. Vì thế không thể coi đó là một truyền thống, bởi nó chẳng liên quan gì tới tranh lụa Việt Nam sau 1930, ngoại trừ tấm lụa được dùng làm vật liệu đỡ (support).
Chỉ sau khi trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, người Việt Nam mới được các ông thày Tây dạy vẽ tranh sơn dầu, sau đó là vẽ lụa và sơn mài. Vì thế, công bằng mà nói, truyền thống hội hoạ sơn dầu, lụa và sơn mài ở Việt Nam đều có khởi điểm như nhau và đều cách đây chưa đầy một thế kỷ, chính xác là 91 năm, trong đó thậm chí sơn dầu còn đi trước lụa chừng 5 năm.


Tranh lụa được cho là của Chu Phưởng (kh.730 - 800), đời Đường
Thực vậy, hội hoạ trên lụa ở Việt Nam được coi là bắt đầu sau khi Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD), cho chàng thanh niên Nguyễn Phan Chánh xem những bức tranh lụa Tàu đời Đường và khuyến khích chàng đi theo hướng này. “Chơi ô ăn quan” do hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1931 là một trong những bức tranh lụa đầu tiên của hội hoạ trên lụa Việt Nam.
Còn hội hoạ sơn mài Việt Nam ra đời sau khi Joseph Inguimberty (1896 - 1971), trưởng khoa hội họa của trường MTĐD từ 1925 tới 1946, thành lập bộ môn nghiên cứu việc áp dụng sơn ta trong hội họa, làm nên tên tuổi của “vua sơn mài” Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), tốt nghiệp trường MTĐD năm 1936. Cùng với Inguimberty, một người thày Pháp khác có công đầu trong việc gây dựng hội hoạ sơn mài Việt Nam là bà Alix Aymé (1894 - 1989). Theo Joel Fletcher và John Copenhaver, hai tác giả của bộ phim tài liệu về cuộc đời và tác phẩm của nữ hoạ sỹ này, bà Alix Aymé đã học được kỹ thuật vẽ lacquer (urushi-e) từ một bậc thầy Nhật Bản, trong đó có cả kỹ thuật dùng vỏ trứng và bạc làm màu trắng, vàng lá làm màu vàng trong tranh, mà sau đó bà đã dạy lại cho các học trò sơn mài Việt Nam [3].

ALIX AYMÉ - Tự họa với con trai Francois đang ngủ. Sơn mài, có dùng vàng lá và vỏ trứng
Vào t.k. XIX, được các linh mục Pháp hướng dẫn, thợ vẽ Việt Nam cũng đã dùng màu tự nhiên vẽ lên giấy bồi trên canvas trong bộ 14 bức họa các thánh tử vì đạo [4]. Nhưng không thể vì thế mà khẳng định hội hoạ sơn dầu trên canvas là tiếp tục truyền thống tranh vẽ trên canvas từ t.k. XIX tại Việt Nam.
Tương tự như vậy, không thể căn cứ vào các bích họa sơn dầu niên đại t.k. VII - IX, được phát hiện năm 2004 trên tường hang ở Bamiyan (Afghanistan), để nói rằng hội hoạ sơn dầu ngày nay là kế tục truyền thống sơn dầu châu Á. Nếu quả thực có một truyền thống như vậy về mặt chất liệu thì nó đã bị mai một, để rồi được các hoạ sĩ châu Âu tái phát hiện vào t.k. XV với cụ tổ là Jan Van Eyck. Truyền thống hội hoạ sơn dầu châu Âu đã được bắt đầu từ đây, và sau đó được du nhập vào châu Á vào cuối t.k. XIX (Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan) - đầu t.k. XX (Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines).
Nguyễn Đình Đăng
Chú thích:
[1] Nguyên văn tiếng Anh: “While many contemporary artists focus on more easily commercialized media like oil on canvas or other types of media which are considered more avert grade by the art literati, it is a good and necessary thing that some the country’s most talented young artists (...) continue to work with silk to help foster and evolve the tradition of Vietnamese silk painting.”
[2] Xem ví dụ kỹ thuật vẽ lụa gongbi (=  công bút) của Tàu tại https://www.youtube.com/watch?v=C_Dn2OkwlQg)
[3] Theo www.incollect.com

[4] Nguyễn Đình Đăng, 14 bức hoạ các thánh tử vì đạo do các hoạ sĩ Việt Nam vẽ vào t.k. XIX. nguyendinhdang.wordpress.com(2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét