Sau những ồn ào xung quanh bộ sưu tập tranh Đông Dương của Vũ Xuân Chung bị tố giả, vừa qua dư luận lại bất ngờ trước thông tin bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái được đấu giá lên tới hơn 2 tỷ đồng cũng là… tranh giả. Những sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra liên quan tới tranh giả, tranh thật đã làm người thưởng lãm nghệ thuật hoài nghi về các bức tranh được trưng bày, đấu giá hiện nay, khi khâu thẩm định tác phẩm đang được thực hiện một cách hời hợt, chưa nói tới là thả nổi.
17 bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” của Vũ Xuân Chung đang bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra
Công chúng nghệ thuật: Lòng tin suy giảm
Việt Nam chưa hình thành thị trường mỹ thuật nên các cuộc bán mua tác phẩm hội họa hầu hết diễn ra dưới dạng tự phát, tự thỏa thuận giữa tác giả và người mua tranh, giữa gia đình họa sĩ và nhà sưu tập hoặc giữa gallery và khách hàng. Một đơn vị trung gian đứng ra thẩm định chất lượng tác phẩm nghệ thuật và khẳng định tác phẩm là tranh thật trước khi đưa đi bày hoặc đấu giá hoàn toàn không có.
Từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đến Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật đều chỉ duy trì các hoạt động nghề nghiệp nhiều hơn là việc đứng ra làm đơn vị độc lập trong tuyển lựa, giám định tranh trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, thị trường sao chép tranh lại rất thịnh hành.
Một tác phẩm của họa sĩ chưa kịp ra mắt người xem nhưng chỉ do một sự sơ ý nào đó, bức tranh đã được nhân bản lên thành hàng chục, hàng trăm lần xuất hiện ngoài thị trường. Chưa nói tới, những người làm giả tranh chuyên nghiệp có hàng nghìn cách để phù phép một bức tranh giả trở thành một bức tranh thật.
Hệ lụy của việc sao chép tranh tràn làn hiện nay cùng sự buông lỏng trong khâu thẩm định, trước mỗi cuộc triển lãm và mỗi cuộc đấu giá đã làm suy giảm lòng tin của người yêu tranh. Tranh giả đã ngang nhiên xuất hiện ở những địa điểm văn hóa uy tín nhất và được đặt chễm chệ ngang hàng cùng các bức tranh có giá trị khác.
Điển hình là, “Những bức tranh từ châu Âu”, cuộc triển lãm tranh rầm rộ các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, ngay khi vừa ra mắt đã bị tố giả. Điều đáng nói hơn, triển lãm đã diễn ra tại một trong những địa điểm nổi tiếng nhất cả nước của giới mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trước sự việc này, dư luận đã đặt câu hỏi về việc thẩm định tranh trước khi trưng bày tại bảo tàng đang được thực hiện ra sao?
Chất lượng tác phẩm: Thả nổi đánh giá
Họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM cho biết: “Các cuộc triển lãm đều có hội đồng thẩm định để đánh giá về mức độ vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc liên quan tới chuẩn mực khác của tác phẩm. Tuy nhiên, đến triển lãm lần này, sự việc đáng tiếc xảy ra, tôi hoàn toàn không nắm được thông tin do vừa có chuyến công tác ở nước ngoài”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Viện Mỹ thuật Việt Nam cho biết thêm: “Với các tác phẩm đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam, hội đồng thẩm định tại các bảo tàng hầu hết không đủ khả năng để thẩm định tranh giả, tranh thật bởi trình độ làm tranh nhái hiện nay cũng đạt tới mức độ... “đỉnh cao”.
Khâu kiểm duyệt cần tới các chuyên gia hàng đầu và nguồn kinh phí để mời được những người như vậy khiến cho các bảo tàng gặp khó khăn. Tôi cho rằng, sự việc đáng tiếc vừa qua sẽ không dừng lại nếu như các bảo tàng, các đơn vị nghệ thuật không chịu thay đổi”.
Bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái vừa đem ra đấu giá tại TP.HCM và bán được với giá 102.000 USD bị cho là giả
Với bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của họa sĩ Bùi Xuân Phái bị tố giả tại phiên đấu giá mới đây, một lần nữa đã gióng lên hồi chuông về sự thả nổi trong đánh giá chất lượng tác phẩm hiện nay. Tại Việt Nam, các phiên đấu giá từ thiện đều bỏ qua bước kiểm định tác phẩm.
Ngay như phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam do Công ty Cổ phần Lạc Việt tổ chức, người đứng đầu đơn vị cũng không ngần ngại cho biết, nhà tổ chức chủ yếu đặt lòng tin vào các tác giả. Còn việc thành lập hội đồng nghệ thuật mới chỉ nằm trong ý định của công ty. Và chính cái sự đặt lòng tin vào một ai đó mà không có cơ sở để đảm bảo bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá là tranh thật hay tranh giả, đương nhiên sẽ dẫn tới các sự việc tương tự như “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái.
Thị trường mỹ thuật: Cần sớm hình thành
Ở nước ngoài, các phiên đấu giá nghệ thuật đều do một đơn vị chuyên nghiệp thực hiện như Hãng Sotheby’s, Hãng Christie's.… Nếu có sự việc vỡ lở như tranh giả lọt vào phiên đấu giá thì các hãng này sẽ là người chịu trách nhiệm trước tiên và uy tín sẽ bị ảnh hưởng.
Chính vì quy trách nhiệm rõ ràng nên tác phẩm được mua tại các hãng đấu giá có độ tin cậy cao và góp phần tạo nên thị trường mỹ thuật lành mạnh. Còn ở Việt Nam, các phiên đấu giá nghệ thuật thường được tổ chức theo lối tự phát, không có hội đồng cũng không có người thẩm định. Vì thế, đã không ít nhà sưu tập trong nước rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì bỏ ra rất nhiều tiền để rồi sở hữu một phiên bản nghệ thuật mà không phải là độc bản.
Lối làm việc không theo một quy chuẩn, tùy tiện và hời hợt của các nhà tổ chức đã làm thị trường sao chép tranh Việt vốn đã phức tạp lại càng có dịp nở rộ. Bởi một bức tranh giả lại có giá tới cả tỷ đồng thì có cả trăm người đang ngày đêm tìm cách làm nhái tranh thật, miễn sao thu lợi về cá nhân.
Để hạn chế tình trạng này, không còn cách nào khác, Việt Nam cần bước đầu hình thành thị trường mỹ thuật để các cuộc bán mua không còn nằm trong một phạm vi hẹp ở góc độ cá nhân, mà đã do các tổ chức có uy tín đứng ra đảm nhận. Hơn thế, Nhà nước cũng cần mạnh tay với nạn sao chép tranh diễn ra tràn lan.
Những con phố công khai chép tranh chính là minh chứng cho những bất cập hiện nay trong công tác quản lý hoạt động mỹ thuật. Nhưng trên hết, những người mua tranh cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về nghệ thuật và bản quyền để hiểu rằng, treo tranh nhái hay sao chép tranh chính là hành động tiếp tay cho nạn làm tranh giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét