Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Mĩ thuật Việt: 365 ngày sôi động




Đời sống mĩ thuật năm 2016 được xem là sôi động, với nhiều triển lãm lớn, những cuộc đấu giá tranh lần đầu tiên được tổ chức. Dẫu vẫn còn những vướng mắc, khó khăn nhưng trong xu thế tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, giới họa sĩ đang nỗ lực xây dựng một thị trường mĩ thuật lành mạnh và chuyên nghiệp hơn nữa.
Phiên đấu giá 5 tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Hà Nội.
Hàng trăm cuộc triển lãm lớn-nhỏ, chung-riêng được tổ chức trong năm qua ở các vùng, miền đã đem lại một bức tranh khá vui cho đời sống mĩ thuật Việt Nam.
Nhưng một cuộc không thể không nhắc đến đó là triển lãm “Mở cửa”- Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016) diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28/9/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Triển lãm nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và đổi mới của mĩ thuật Việt Nam trong 30 năm (1986 - 2016), giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống mĩ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước.
Cũng cần nhắc tới cuộc triển lãm và trao giải thưởng tranh đồ họa ASEAN diễn ra từ 14 đến 22/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nghệ thuật giữa nghệ sĩ các nước ASEAN và giới thiệu các tác phẩm tranh đồ họa độc đáo, phong phú và đa dạng cả về nội dung và hình thức thể hiện.
Hay như cuộc thi do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức, với 198 tác giả ASEAN gửi 340 tác phẩm tới tham dự...
Bức Mẫu đơn đỏ của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 40.000 USD.
Đấu giá tranh - bước khởi đầu
Trong năm 2016, không chỉ để làm từ thiện như trước, hoạt động đấu giá nghệ thuật mang tính thương mại đã chính thức ra đời. Đó là phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức tại Hà Nội hay một số galerry tổ chức tại TP HCM.
Rồi các họa sĩ tổ chức đấu giá tranh ủng hộ việc phục dựng nhà Lang (Hòa Bình) bị cháy, đấu giá tranh ủng hộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa…
Hình thức đấu giá trên mạng cũng xuất hiện khi họa sĩ Phạm An  Hải khởi xướng, tổ chức cuộc đấu giá online các tác phẩm hội họa dưới sự điều hành của  diễn đàn Vietnam art space. 
Chỉ trong hơn 2 ngày cuộc đấu giá đã bán được 50 bức tranh, đây là dấu hiệu đáng mừng vì hòa chung với xu thế “phẳng” của thế giới, tạo điều kiện cho các họa sĩ có thể có thêm những kênh bán tác phẩm của mình đến tay người yêu mĩ thuật.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường mĩ thuật hiện nay với nhiều “mảng tối” xung quanh nạn tranh giả, tranh chép thì sàn đấu giá góp phần mang đến một khuôn mặt mới về sự minh bạch của các tác phẩm nghệ thuật. 
Mới đây, phiên đấu giá tối 17/12 tại TP HCM cũng là một sự kiện thú vị. Theo các chuyên gia, tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Trần Đông Lương, Lê Văn Xương... thì khá “đắt hàng” nhưng không… đắt giá.
Bức “Mẫu đơn đỏ” (sơn dầu) của Lê Phổ bán được 40.000 USD (giá khởi điểm 30.000 USD). Bức “Chân dung thiếu nữ” (chì trên giấy) của Trần Đông Lương được bán 23.000 USD (giá khởi điểm 22.000 USD).
Bức “Thiếu nữ” (lụa) của Lê Văn Xương bán 22.500 USD (giá khởi điểm 22.000 USD). Bức “Hoa cẩm chướng” (sơn dầu trên lụa) của Nguyễn Ngọc Đan bán 2.500 USD (giá khởi điểm 2.000 USD).
Tác phẩm của họa sĩ Thành Chương trong triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới.
Điều này cho thấy việc đấu giá không thực sự hào hứng, sôi nổi cho lắm. Còn tranh của các họa sĩ đương đại nổi tiếng Việt Nam hiện nay như Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Hoài Hương, Lương Lưu Biên... thì chẳng ai “ngó ngàng” tới.
Bên cạnh đó, việc người đấu giá thành công cặp chóe Tứ linh trị giá hơn 6 tỉ đồng tại phiên đấu giá đầu tiên do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức ở Hà Nội, sau đó “xù” không mua nữa khiến cho công tác tổ chức đấu giá cần phải xem xét lại. Cần phải có các điều khoản, quy định pháp luật chặt chẽ; chẳng hạn cần tăng mức phí đặt cọc cao hơn để người đấu giá thắng không bỏ cuộc.
Trong khi đó, các tác phẩm nghệ thuật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá. Vì vậy, Luật Đấu giá tiếp tục sửa đổi được kỳ vọng mang lại cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn để hỗ trợ hoạt động này.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, BTC cần chọn người giới thiệu, tác giả, tác phẩm và người điều hành phiên đấu giá có uy tín hơn. Ông cũng cho rằng, đấu giá nghệ thuật phải có tính văn hóa, sang trọng chứ không thể xô bồ như các sản phẩm khác.
Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới thu hút sự quan tâm của giới mĩ thuật.
Tranh giả vẫn hoành hành
Lâu nay việc những tác phẩm hội họa nổi tiếng bị làm giả vẫn là “chuyện thường ở huyện” song triển lãm  “Những bức tranh trở về từ châu Âu” là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Đến một nơi đầy tính chuyên môn như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng bị tranh giả “xâm lấn” thì còn gì đau xót hơn.
Các chuyên gia đã chỉ ra 15 trong số 17 tác phẩm không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; hai bức còn lại bị mạo danh; đề nghị Bảo tàng có văn bản gửi Công an và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM tạm giữ để phục vụ điều tra và xử lý.
Các bức tranh tưởng được vẽ dưới bàn tay tài danh hội họa như bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); cùng một số họa sĩ nổi tiếng Trường Mỹ thuật Đông Dương (giai đoạn 1925 - 1945) thực chất chỉ là “ốc mượn hồn”.
Bảo tàng đã gửi lời xin lỗi đến công chúng về sự việc này nhưng cơ quan quản lý đã “không kịp” vào cuộc vì hết thời gian triển lãm, chủ nhân bộ sưu tập đã mang các tác phẩm về… Như vậy, những tác phẩm không phải là thật đó vẫn có cơ  hội trôi nổi ra thị trường. 
Một sự kiện cũng gây “chấn động” không kém đó là trong phiên đấu giá nghệ thuật gây quỹ từ thiện Thiện Nhân và những người bạn tại TP HCM, bức tranh sơn dầu “Phố cổ Hà Nội” của danh họa Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công với mức giá 102.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng).
Bức tranh cũng dính nghi án nhưng chưa kiểm chứng được khi các nhà chuyên môn và gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lên tiếng nghi ngờ kiệt tác sơn dầu của danh họa là tranh giả…
Từ những năm 90 của thế kỉ trước, nạn tranh giả đã “bung lụa” khi hàng loạt các danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh và cả những tác giả trẻ mới nổi đều bị sao chép tranh và bán công khai. Không có sự xử lí mạnh tay từ các cơ quan chức năng, trải qua một thời gian dài, tranh giả từ đắt tới rẻ bày bán khắp nơi.
Điều này ảnh hưởng  lớn tới uy tín của chính tác giả khi mà những bức vẽ không còn là “độc bản” và thị trường mĩ thuật lao xao, bát nháo kéo dài quá lâu không có cách nào khắc phục.
Gần đây, khi đã hội nhập với thế giới, người ta giật mình cần có sự minh bạch hơn thì nạn tranh giả đã hoành hành quá lâu rồi. Đây là nỗi ám ảnh của các nhà sưu tập chân chính, đồng thời làm ảnh hưởng tới thị trường mĩ thuật Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, cần luật mạnh tay hơn trong nạn tranh giả, nhưng rõ ràng cũng phải có cơ sở pháp lý mới xử lý được, còn nếu không tất cả vẫn chỉ là “nghi án” mà thôi.

http://daidoanket.vn

TRUNG TÂM MỸ THUẬT TƯ DUY NÉT NGỘ
Trụ sở:    61 Đường D5, P. 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Cơ sở 1: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Quận Gò Vấp, TPHCM
Cơ sở 2: 1511 Đường Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Quận 2, TP HCM
Email: mythuatnetngo@gmail.com
Điện thoại: 090.264.1618

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét